XtGem Forum catalog
- 29-04-24 04h56'

Hãy hồi quang phản chiếu

Hãy hồi quang phản chiếu, xem mình có ở đây hay không !

Câu kinh trên chính là tinh yếu của Tâm Kinh. Nay lược giảng như sau:
“Quán Tự Tại” có nghĩa là hồi quang phản chiếu, tự quán sát xem mình tự tại hay không tự tại. Nói cách khác là xem mình có “ở đây” hay là không có “ở đây”. Nếu như tự tại (có ở đây), tức là tâm của mình không chạy rông, không đuổi theo các thứ duyên, không phan duyên. Nếu như không tự tại (không ở đây), tức là tâm của mình đang tán loạn, vọng tưởng rối bời; thậm chí có thể có vấn đề về thần kinh, tâm lúc nào cũng tìm cơ hội để khiến cho mọi người đến cúng dường mình. Nếu có những vọng tưởng như vậy, quý vị sẽ không tự tại.
Trong mọi hành vi, bậc Bồ-tát đều hướng tới lợi ích của chúng sanh, coi đó là mục tiêu duy nhất, tuyệt đối chẳng vì lợi ích của chính mình. Ý hướng của phàm phu chúng ta thì hoàn toàn trái ngược với tất cả, đều chỉ nghĩ tới lợi ích của riêng mình, chứ không phải vì lợi ích của chúng sanh. Bất cứ làm một việc gì, trước tiên chúng ta đều đắn đo tính toán xem việc đó có lợi cho mình hay không. Hễ thấy có lợi thì mới làm, không có lợi thì không làm. Ðó chính là biểu hiện của lòng ích kỷ và tự lợi. Bởi đâu mà thế giới chẳng được hòa bình? Chính vì nguyên do đó. Quý vị tranh thì tôi đoạt, không có sự tương trợ lẫn nhau, từ đó mới có chiến tranh, gây nên thảm cảnh nước mất nhà tan.
Vị Bồ-tát này có thể "thực hành pháp thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật Ða." Từ vô thủy đến nay, đời đời kiếp kiếp ngài đều thực tập pháp thâm sâu này, không lúc nào gián đoạn. Tu pháp Bát Nhã thâm sâu, tức là:
1. Không có tâm kiêu ngạo, bởi kiêu ngạo là ngu si.
2. Không có tâm tự mãn, bởi tự mãn là ngu si.
3. Thường có tâm hổ thẹn (tàm quý, bởi không có tâm hổ thẹn là ngu si.
4. Không sanh tâm đuổi theo các duyên (tâm phan duyên), bởi để tâm rong ruổi theo ngoại duyên là ngu si.
5. Không sanh tâm sân hận bởi có sân hận là ngu si.
6. Không sanh tâm điên đảo bởi tâm điên đảo là ngu si.

Chúng ta là những người tu hành thì phải xem sáu loại tâm đó làm tiêu chuẩn, hầu có thể xét đoán những hành động của mình có đúng với pháp hay không. Nếu đúng thì hành động của ta là có trí huệ, nếu sai thì là ngu si. Cũng có thể nói rằng “siêng tu giới định huệ, dập tắt tham sân si” tức là trí huệ; không tu giới định huệ, không diệt tham sân si là ngu si. Trí huệ và ngu si khác nhau ở những điểm đó.
Phải tu tập pháp Bát Nhã thâm sâu thì mới có thể soi thấu năm mươi loại cảnh giới ấm ma trong năm uẩn. Trong sắc uẩn có mười loại ấm ma, trong thọ uẩn có mười loại, trong tưởng uẩn có mười loại, trong hành uẩn có mười loại, trong thức uẩn cũng có mười loại, cộng lại tất cả có năm mươi loại ấm ma. Tách ra từng phần thì còn có vô số vô lượng, nếu người tu không cẩn thận sẽ dễ dàng đi vào cảnh giới ma. Nói chung, hễ có tà tri tà kiến là thuộc về quyến thuộc của ma, nếu là chánh tri chánh kiến thì thuộc về quyến thuộc của Phật.
Khi thực hành pháp thâm sâu Bát Nhã Ba La Mật Ða thì sẽ nhận ra được cảnh giới ma một cách rõ ràng, không còn bị chúng ma lay chuyển. Tới lúc đó, ngoài khả năng “soi thấu năm uẩn là không,” chúng ta còn có thể vượt qua được hết mọi khổ ách. Năm uẩn là không, có nghĩa là Chân Không. Có câu nói:
Chân Không vô nhân ngã,
Ðại Ðạo vô hình tướng.
Nghĩa là:
Chân không, chẳng người chẳng ta,
Ðạo lớn, không hình không tướng.
"Hết mọi khổ ách" tức là nói các mối khổ trong ba thứ tai, tám thứ nạn (tam tai bát nạn).
Nếu như theo đúng pháp trong các câu Kinh nói trên để tu tập, tu cho đến rốt ráo thì hành giả sẽ đạt tới trình độ chế ngự được “tám thứ gió - bát phong xuy bất động. Thế nào là bát phong? Ðó là tám món gồm khen, chê, khổ, vui, lợi, suy, phỉ báng và vinh dự. Những thứ này coi như tám ngọn gió có thể làm lay chuyển và quay cuồng những ai không đủ định lực. Nay giảng sơ qua như sau:
1. Khen: Khen hay xưng tán. Nếu có người xưng tán, khen ngợi mình một câu, thì mình thấy như vừa nhận được một cảm giác rất ngọt ngào, còn hơn là mật nữa và mình thấy thoải mái.
2. Chê: Chê là chê bai.
Như có người chê bai mình, mình liền thấy bực dọc, không vui, trong lòng không thoải mái.
3. Khổ: Ðây là khổ não. Gặp chuyện gì phiền hà mình cảm thấy khổ sở. Khi gặp phiền não, hãy thử xem mình có chịu được không.
4. Vui: Vui hay khoái lạc. Gặp điều vui sướng không nên lấy làm đắc ý. Mọi điều khoái lạc đến thì chúng ta hãy coi đó là một sự khảo nghiệm, để thử xem tâm ý của mình ra sao.
5. Lợi: Ðây là lợi ích. Ðược lợi ích thì mình cảm thấy vui, bị thiệt hại thì mình cảm thấy buồn, đó là biểu hiện của sự yếu kém định lực.
6. Suy: Suy nghĩa là suy bại. Dù gian nan đến đâu, chúng ta cũng không nên nao núng, có thất bại cũng không động tâm.
7. Phỉ báng: Ví dụ có người nói xấu mình, mình không quan tâm! Mình coi chuyện đó như không có gì cả, tự nhiên sóng gió sẽ hết.
8. Vinh dự: Như có người xưng tán mình, vinh danh mình, mình cũng không nên cảm động. Chỉ nên coi các thứ công danh như phù vân.
Tám loại gió này chính là một pháp môn dùng để khảo nghiệm tâm của người tu—dù gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh, tâm đều không dao động. Nếu động tức là tu trì chưa đủ, chưa có công phu định lực; nếu không động thì chứng tỏ là mình đã có công phu. Tuy nhiên, không nên tự mãn, như tự khoe khoang rằng: "Bát phong chẳng lay động được ta, định lực của ta kiên cố như kim cương." Thái độ này là sai lầm.
Thuở xưa, vào đời nhà Tống có vị cư sĩ là Tô Ðông Pha, đã từng nghiên cứu ít nhiều về Phật Pháp, nhưng công phu thiền định thì còn yếu kém. Tuy nhiên, ông cho rằng định lực của ông cũng đã khá. Có một hôm, nhân nguồn cảm hứng dạt dào, ông làm bốn câu kệ sau:
Khể thủ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Bát phong xuy bất động
Ðoan tọa tử kim liên.

Nghĩa là:

Khấu đầu lạy chư thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Tám gió lay chẳng động
Ngồi vững trên tòa sen.

Lúc đó ông tự nghĩ rằng mình đã khai ngộ, nên muốn có sự ấn chứng của Thiền sư Phật Ấn. Ông bèn sai người mang bài kệ đó tới chùa Kim Sơn ở bên kia sông.
Thiền sư xem qua liền đề bốn chữ: "Ðánh rắm! Ðánh rắm!" ngay trên tờ giấy có bài kệ, rồi đưa cho thị giả mang về. Tô Ðông Pha xem xong, lửa vô minh bốc lên ngùn ngụt. Ông giận dữ: "Sao lại có chuyện này? Ðây là bài kệ khai ngộ! Ông ta dám bảo là “đánh rắm” là có ngụ ý gì?" Thế là, ông lập tức đi qua sông tìm Thiền sư Phật Ấn để chất vấn.
Chẳng dè khi đến cổng chùa, Thiền sư Phật Ấn đã đứng chờ sẵn, thấy ông đi tới thì cười lớn: "Ồ! Xin chào mừng Ðại Học Sĩ họ Tô, bát phong không lay chuyển được ông, nhưng lại bị cái rắm “thổi” qua sông tới đây! Xin chào mừng!" (Hai ông chính là bạn thân, thường vui đùa với nhau). Tô Ðông Pha đương lúc lửa sắp sửa bùng ra, nghe Thiền sư nói mấy câu, xét lại thấy có lý, nên nhìn nhận công phu định lực của mình còn non nớt và hướng tới Thiền sư đảnh lễ tạ tội. Kể từ đó ông bỏ thói "khẩu đầu thiền".
Tu là thực hành, chẳng phải nói suông. Chỉ nói mà không làm được, điều đó vô nghĩa.

Back To post
Bình luận:

Viết bình luận:


Đến Trang:
- Share on: google facebook twitter zing
C-STATU-ON
© 2009 - 2024 AyEmm.Net