- 05-05-24 13h57'

Mưa bong bóng

Ở cái miệt đồng bằng quanh năm nước duềnh lên mênh mông, ruộng lúa phì nhiêu này mà gặp mùa mưa thì buồn nẫu ruột. Hồi nhỏ, tôi khoái chí chạy xung quanh cái sân rộng được ba tráng xi măng để phơi lúa hò hét tưng bừng mỗi khi thấy trời vần vũ kéo mây. Những trận mưa nặng hạt kéo đến cùng lúc với việc bọn con nít trong xóm kéo nhau ra tắm mưa, bày trò đánh trận giả bì bõm. Bọn nhóc khoái mưa bao nhiêu thì trong những hốc mắt hõm sâu của người già làng tôi lại trĩu nặng u buồn bấy nhiêu khi mùa mưa đến. Người ta í ới gọi nhau sang che lại tấm vách đã tưa như xơ mướp sau những mùa mưa trước của một nhà nào đó, rồi lại sang nhà khác lợp lại mái lá đã dột nóc. Người này làm giúp người kia, người kia làm giúp người nọ, giúp qua giúp lại chứ không lấy tiền, gọi là dần công. Căn nhà nhỏ của hai cha con tôi sau nhiều năm chống chọi cũng đã đến lúc cần phải thay một số cây cột bị mọt ăn, mấy liếp buồng đã khô cong, giờ chỉ có thể đem chụm lò nấu cơm. Ba ngắt ra một ít trong số tiền bán lúa giống đợt vừa rồi mua liếp mành mành bằng tre để xây lại cái bồ chứa lúa mới. Ba nói cái bồ lúa chính là linh hồn của cái nhà này. Bồ đầy thì cha con mình cũng đầy bụng. Bồ vơi thì cha con mình cũng thắt thỏm đói theo. Bởi vậy, không bao giờ ba để cái bồ rỗng. Mỗi đợt thương lái tới mua lúa, lúc nào ba cũng chừa lại chục giạ lúa để xay gạo ăn dần. Ba muốn chừa nhiều cũng không được, phần sợ mọt ăn, phần sợ mùa mưa xuống lúa dễ ẩm mốc. Ông già Nam bộ lúc nào cũng càu nhàu cho cái sự đời bất công:

- Tổ cha nó! Mình là dân làm ruộng mà phải bỏ tiền đong gạo giá trên trời, chịu nổi hông?

Xóm giềng cười ông, thôi, bực mình làm gì, ăn gạo đắt xíu cũng có sao. Ở đây, ông là nông dân giỏi, vụ nào cũng trúng mùa, tiền vô liền liền mà còn tính toán chi. Nghe khen, ông già cũng phổng mũi, nhưng cái tính tằn tiện hồi nào giờ vẫn vậy, không bỏ được, nên mỗi lần nghĩ lại vẫn thấy bực mình. Rồi thi thoảng có người lại vô tình làm rơi ra một câu nói làm ông thẫn thờ, trằn trọc cả mấy đêm bên điếu xì gà.

- Phải chi con Hường(mẹ tôi) đừng có ham theo đoàn hát, giờ thì sướng rồi!

Tôi tưởng chừng ấy năm trôi qua với bao nhiêu uất hận đã làm ba tôi quên hẳn mẹ rồi. Nhưng không, trong lòng ông hình như mẹ vẫn còn đó, và vết thương mẹ gây ra vẫn như mới hôm qua, còn tứa máu làm lòng dạ ông rát buốt. Nhiều đêm giật mình thức dậy nửa đêm vì tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà, tôi thấy ba ngồi chong đèn bên cửa sổ, mắt nhìn chăm chăm vào màn mưa trắng xóa bên ngoài, rít thuốc. Tôi ghét mùi thuốc lá hăng nồng và cay xè của ba. Đã nhiều lần tôi đưa các mẩu báo nói về tác hại của thuốc cho ba đọc, giải thích cho ba hiểu để ông bỏ thuốc dần, thậm chí nhiều lần tôi trộm thuốc của ông nhét dưới đáy bao rác nhưng vẫn không lay chuyển được. Một năm không biết bao nhiêu lần tôi thức dậy lúc nửa đêm, cùng ra ngồi uống cà phê, chong mắt ra cửa sổ nhìn màn đêm đen kịt. Tôi không biết ba tìm gì trong màn mưa trắng xóa, tôi không dám hỏi, chỉ nghe mấy tàu chuối quất vào nhau ràn rạt rã rời bên mái hiên trong cơn mưa dầm. Thảng hoặc từ cánh đồng vọng vào tiếng uềnh oang của tập đoàn ễnh ương, ếch nhái dội vào từng đợt như một đoàn nhạc công đang trỗi nhạc hăng say. Một đoạn nhạc buồn giữa đêm mà hầu như không ai muốn nghe, trừ hai cha con tôi.

Nghe kể hồi mới gặp ba, mẹ tôi đẹp lắm, da trắng, tóc dài, dáng đi thanh mảnh, giọng nói trong, đặc biệt mẹ rất thích ca cải lương, ca hay lắm. Hồi đám cưới, cô dâu đãi bạn bè và bà con hai họ mấy bài vọng cổ ngọt như mía lùi. Trong làng, hầu như ai cũng đã từng được nghe mẹ hát. Mỗi lần trên xã có tổ chức văn nghệ là người trong làng kéo nhau đi coi rần rần, chủ yếu coi mẹ tôi hát. Cũng có vài lần mẹ tôi diễn trích đoạn cùng mấy cô dì trong đội văn nghệ xã. Bà con thích lắm, khen ngợi hết lời. Tưởng như vậy ba sẽ hãnh diện, sung sướng lắm. Nhưng ba không bao giờ lấy đó làm niềm hãnh diện. Mỗi khi mẹ ra chợ sắm thêm cái áo dài mới hay một thỏi son để đi hát phục vụ văn nghệ là ba tìm đủ cách để càm ràm mẹ. Sự việc lên đến đỉnh điểm hồi tôi ba tuổi. Trong một lần gửi tôi cho bà nội trông, mẹ đi biểu diễn theo yêu cầu của xã, khi về, ba tôi đã hầm hầm chặn ngay ngạch cửa, quát ầm ĩ:

- Đồ đàn bà hư, có con mà không biết lo, tối ngày chỉ biết đàn đúm hát hò, chắc cô cũng muốn trở thành cái ngữ xướng ca vô loài phải không?

Son phấn rã rời, mẹ thụp xuống ngay ngạch cửa mà khóc. Ba giao kèo, nếu mẹ còn mơ tới cái việc hát hò nữa thì đừng bao giờ bước qua khỏi ngạch cửa nhà này, hãy đi cho khuất mắt ông. Từ đó mẹ không bao giờ ca cải lương khi có mặt ba, cũng xin rút khỏi đội văn nghệ xã, ngày đêm ru rú ở nhà chăm sóc tôi. Cũng từ đó, mẹ ít nói cười, ít trò chuyện và hầu như không đi đâu cùng ba. Nhiều đêm tôi tỉnh giấc vì ba quăng đồ đạc ầm ầm vào vách, quần áo xộc xệch, đầu tóc bờm xờm, ông mở cửa và đi ra ngoài, không biết đi đâu, đến sáng hẳn mới trở về. Tôi lò dò qua buồng ngủ với mẹ vì biết mẹ sợ ma. Lần nào cũng vậy, mẹ nằm úp mặt vào vách, vẫy tay kêu tôi nằm sau lưng mẹ. Tôi nằm xuống, len lén nhìn đôi vai mẹ khẽ run lên từng hồi. Hình như mẹ khóc, nhưng tôi không thấy được gì cả, mái tóc dài phủ lên che kín nửa khuôn mặt mẹ.

Năm tôi mười tuổi, ngay sau một vụ gặt mà ba tôi trúng lớn, mẹ tôi đi biệt xứ, nghe nói mẹ theo đoàn hát ở tỉnh bạn vừa mới lên biểu diễn ở xã tôi mấy hôm trước. Người trong làng nói mẹ tôi mê một “kép đẹp” nào đó trong đoàn, người này ca hay lại nói năng như hớp hồn người khác, thảo nào mà mẹ tôi lại không “tư tình”. Tôi chỉ nghe loáng thoáng vậy thôi, đầu óc một thằng nhóc lên mười chẳng hiểu “tư tình” là cái cóc khô gì, chỉ biết đợi tàn cơn mưa ngày hôm đó mà không thấy mẹ về, và cả những ngày dài dằng dặc sau đó, thì biết là mẹ đã bỏ hẳn hai cha con rồi. Ba tôi lồng lên giận dữ như một con thú bị thương, ba chửi người, chửi đời. Ba bán tất cả lúa thóc trong bồ, gom góp áo quần vào một túi xách, gửi tôi cho ông bà nội rồi ra bến xe đi tìm mẹ. Ba nói nếu tìm được mẹ, nhất định ba sẽ làm ra chuyện. Tôi không hiểu làm ra chuyện là làm sao, chỉ nhìn thấy ánh mắt già nua phấp phổng âu lo của ông bà nội bao bọc lấy tôi. Ngược xuôi cả tuần lễ rồi ba cũng về, hai hốc mắt trũng sâu, các cơ mặt chùn lại, trông ba càng dữ dằn hơn. Ba hậm hực:

- Trốn mất rồi! Được, có giỏi thì cứ đi luôn đi!

Tôi bắt đầu tập làm quen với những ngày không có mẹ. Ngày nào ba cũng nhậu. Ba uống rượu như uống nước lạnh, uống say lại lôi “con đàn bà hư” là mẹ ra mà chửi. Những khi ông say, tôi toàn phải trốn sang nhà hàng xóm, đợi lúc ông ngủ rồi thì mới dám mò về thu dọn bãi chiến trường, rồi nấu cơm, giặt đồ, rửa chén…Mẹ tôi khoán trắng các công việc nhà cho tôi mà không một lời chỉ bảo. Ba rất hiếm khi đánh đòn tôi, nhưng những lúc ông say, nhướng cặp mắt ngầu đỏ như hai hòn than cũng đủ khiến tôi quíu người vì sợ. Tôi vừa sợ vừa thương ba. Cũng như vừa giận vừa xót xa cho mẹ. Tôi nhớ như in những đêm nằm sau lưng lặng nghe mẹ khóc, nhớ mùi bồ kết thoang thoảng trên tóc mẹ, nhớ nụ cười có màu son cánh sen, nhớ ….

Tôi cất kỹ những nỗi niềm đó cho đến khi tôi hai tám tuổi, tôi gặp Mẫn. Nói đến hai tám tuổi mới gặp cũng không phải, vì Mẫn với tôi là người cùng làng, lớn lên cùng nhau nhưng không chơi chung nên chúng tôi hầu như không nói chuyện với nhau suốt quãng thời gian đó. Lần đầu tiên tôi bắt chuyện là khi Mẫn đi theo đoàn suốt lúa đến thu hoạch vụ mùa trên phần ruộng của ba tôi. Ngay từ đầu, tôi đã bị ánh mắt đen láy của Mẫn hút hồn. Khi Mẫn giở chiếc khăn che nắng trên đầu ra, phơi hẳn khuôn mặt trần khoe nụ cười chúm chím và vầng trán cao thanh thoát, tôi gần như mất hồn. Từ khi phát hiện có đóa hoa xinh đẹp đó, tôi bỗng trở nên chăm chỉ ra đồng hơn, dù ngoài ấy chẳng có việc gì để làm ngoài việc lân la trò chuyện cùng mấy anh em và Mẫn.

Từ khi có Mẫn, đời tôi bỗng sáng lên nhiều niềm hy vọng. Mẫn ở cùng bà ngoại, nghe nói sau khi ba nàng mất, mẹ nàng đã lấy chồng khác, xa lắc lơ. Nàng rươm rướm khi kể về mẹ cho tôi nghe. Hóa ra nàng cũng giống tôi, không hiểu vì sao đột nhiên mẹ không ở với mình nữa. Mẫn nói:

- Dù vậy, em vẫn thương mẹ lắm, vì đó là người đó cho em sinh mệnh này, hình hài này.

Tôi nghẹn cả họng khi nghe Mẫn nhắc đến mẹ mình:

- Em có nghe chuyện của mẹ anh. Chắc là anh cũng buồn như em phải không. Sao anh không đi tìm mẹ?

Tìm ư? Tôi đâu cần phải tìm. Mấy tháng trước, tôi nhận được thư tay của mẹ, chỉ vỏn vẹn dòng địa chỉ trên Sài Gòn kèm lời nhắn “ Bất cứ lúc nào, con cũng có thể gặp mẹ”. Tôi không nói chuyện này với ba. Tôi giận mẹ lắm. Người đã bỏ tôi bao nhiêu đó năm, một lần tìm về xem thằng con sống chết thế nào cũng không. Giờ thì chắc hẳn mẹ đang nệm ấm chăn êm, nhà cao cửa rộng. Nghe nói nghệ sĩ bây giờ sung túc lắm, phởn phơ lắm. Mẹ thế là tốt phước rồi!

Tôi hẹn hò với Mẫn tròn một năm thì ngỏ lời với nàng trong một đêm trăng thanh gió mát, khi nàng gối đầu trên vai tôi ngồi nhìn mặt trăng lơ lửng trên khúc sông óng ánh. Những ngón tay nhỏ với những nốt chai sạn vì lưỡi liềm hằn lên lâu năm nằm gọn trong tay tôi. Mùi bồ kết thoang thoảng từ mái tóc dài tỏa ra bao bọc chúng tôi dịu dàng. Tôi thì thầm:

- Mẫn ơi, em có ưng làm vợ anh không? Anh sẽ không để em phải vất vả trên đồng lúa hàng ngày như bây giờ nữa!

Nàng không trả lời tôi, không gật không lắc, chỉ ngẩng lên nhìn chăm chăm vào mặt tôi như thể mặt tôi dính lọ vậy. Rồi nàng nói đủ tôi nghe:

- Em không cần anh phải bảo bọc em như vậy đâu. Anh hãy cho em được sống là chính em, vậy là đủ rồi anh à!

Tôi ngớ người ra. Nàng nói gì vậy? Sao một người tay lấm chân buồn, không được học hành đến nơi đến chốn mà lại nói chuyện chữ nghĩa như đánh đố vậy? Hay là…nàng không yêu tôi nên tìm cớ ỡm ờ. Con gái ai chẳng kiêu ngạo như vậy. Nhưng nếu nàng không yêu tôi, thì sao nàng lại tự nguyện hiến dâng đời con gái trong trắng của nàng cho tôi rồi? Tôi huyẹch toẹt:

- Anh không hiểu. Em nói rõ hơn được không?

Nàng nháy mắt tinh nghịch:

- Thời gian sẽ giúp anh hiểu ra. Anh không cần phải vội vàng làm gì.

cd

Nỗi ngờ vực trong tôi như cái bong bóng ngày càng phình to lên khi mà Mẫn cứ hết lần này đến lần khác thoái thác lời cầu hôn của tôi. Tôi thừa nhận mình cộc tính giống ba, đến nỗi một hôm tôi đã làm nàng sợ khi gầm ghè:

- Rốt cuộc thì em có yêu anh không? Hay là em có thằng nào khác?

Mẫn giật thót, thảng thốt nhìn tôi, mặt tái xanh:

- Anh nói gì lạ vậy? Sao lại nghi ngờ em?

Rồi nàng bật khóc:

- Yêu nhau mà anh cứ xét nét như vậy, thì yêu làm gì cho khổ!

Nàng càng thút thít, tôi càng điên tiết, không kềm chế được cảm xúc của mình nữa. Cuộc nói chuyện kết thúc nhanh chóng. Tôi hầm hầm lao đi, còn nàng vẫn đứng đó khóc. Tôi băng ra quán, gọi mấy thằng bạn chí cốt đến lai rai vài ly. Bọn bạn mắt tròn mắt dẹt phán đoán:

- Thất tình hả mậy? Chắc mày giống ông già mày. Hồi trước má mày bỏ đi, ổng cũng tự ngâm mình thành hũ hèm.

Tôi ực một ly, cay cú:

- Ừ, con gái bây giờ khó hiểu thiệt. Yêu thì yêu, không yêu thì thôi, cứ ỡm ờ hoài, mệt ghê!

Thằng bạn rỉ tai nói tôi nghe một bí mật kinh khủng về Mẫn:

- Con Mẫn đang học may ở tiệm thằng Tuấn. Biết đâu nó thích thằng chủ tiệm đẹp trai, ga-lăng đó hơn mày thì sao!

Một thằng nữa đế vô:

- Đúng đó! Con gái có hai loại: một là háo sắc, ham trai đẹp, hai là hám tiền. Nàng của mày chắc là loại thứ nhất rồi!

Nhưng tôi lại đinh ninh rằng đã ăn nằm với tôi rồi thì Mẫn chẳng còn lựa chọn nào khác. Tôi định bụng làm một điều hơi ác ý chút xíu: lừa cho nàng có thai, lúc đó, cá đã vào rộng, tôi sẽ đường hoàng xin cưới nàng. Nhưng trước tiên, tôi phải dò ý ba tôi xem thế nào. Dù sao thì chuyện cưới hỏi cũng phải nhờ đến các bậc sinh thành, con cái không thể tự quyết hết được.

Ba tôi lập tức sa sầm nét mặt khi nghe tôi đề nghị ông sang hỏi cưới Mẫn cho mình. Ông bảo:

- Trên đời này hết con gái hay sao mà mày lại chọn nó? Ba nó mồ chưa xanh cỏ thì mẹ nó bỏ đi lấy chồng. Mày mà cưới cái ngữ đó, sau này sẽ khổ y như tao đây nè!

Tôi vặn lại:

- Nhưng mẹ Mẫn khác, Mẫn khác. Con tin vào giác quan của mình ba à!

Ba tôi gầm lên:

- Không được! Tóm lại, cưới ai thì cưới, trừ con gái trong cái làng này. Đàn bà con gái trong cái làng này, toàn là thứ trắc nết, nghe chưa?

Tôi bàng hoàng trước quyết định mang đầy tính cực đoan, bảo thủ của ba. Có lẽ tôi đã vô tình khơi lại vết thương lòng nên ông mới trở nên đáng sợ như vậy. Nhừng kì thực, cũng có chút nghi ngại dấy lên trong tôi sau những lời phán xét đó. Tôi âm thầm theo dõi Mẫn, xem nàng có thực sự giống như ba tôi nói không.

Hàng ngày, tôi bỏ công bám ghế quán cà phê đối diện tiệm may của thằng Tuấn, theo dõi nhất cử nhất động của Mẫn. Công lao của tôi cũng chả bỏ bèn khi sang ngày thứ hai, tôi phát hiện ngay cảnh tượng thằng chủ tiệm đang đo các vòng trên cơ thể Mẫn. Hai người nhìn nhau thật trìu mến, nụ cười trên môi Mẫn tươi rói. Tôi cảm nhận rõ rệt nỗi đau của việc bị phản bội.

Sự ghen tuông đã khiến tôi không còn tin ai nữa. Đó là lần thứ hai tôi làm Mẫn khóc. Sau đó, tôi không thèm gặp mặt Mẫn nữa, tôi là thằng con trai có sĩ diện, không thể để ai đó cắm sừng mình được. Tôi đau như bị ai đánh. Tôi lại chìm vào rượu, lại đập phá đồ đạc trong cơn say, để rồi sau đó tỉnh dậy, lúi húi thu dọn một mình. Trong ngôi nhà rộng ngoác lăn lóc những hũ rượu. Điệp khúc cũ của năm nào giờ lặp lại. Thi thoảng nửa đêm tôi giật mình tỉnh dậy sau cơn say, lại mò ra chiếc phản cạnh cửa sổ chong mắt nhìn mưa như trút nước. Có lẽ ông trời đang khóc, như vậy còn thoải mái hơn hai cha con tôi. Ba tôi vẫn còn thói quen ngồi nhìn mưa đêm. Tôi muốn nói chuyện với ông. Nhưng cuối cùng, chỉ có những giọt mưa gõ nhịp đều đặn bên hiên nhà. Gió tạt những làn mưa hắt vào cửa sổ lạnh buốt. Ba vẫn không sập cửa. Chưa bao giờ ông sập cửa dù mưa rất lớn. Tôi rùng mình co người dựa vách. Bỗng dưng thèm một giọng nói nào đó vang lên sưởi ấm cái không gian ẩm ướt này. Tôi thèm một vòng tay, thèm hương bồ kết day dứt…Tôi nhớ Mẫn đến độ tim gan thắt đau. Trong cái ngầy ngật của hơi rượu còn sót lại, tôi sực nhớ ngoài mẹ ra, Mẫn là người con gái duy nhất từng gắn bó với tôi, từng chia sẻ những bí mật cất giữ trong sâu thẳm tâm hồn tôi. Nhưng Mẫn không còn ở bên tôi nữa. Chính tôi đã đẩy Mẫn ra xa cuộc đời mình. Giờ đây, cuộc đời tôi như chiếc xuồng đang bập bềnh giữa cơn giông trên dòng sông lớn, nó chìm lúc nào chẳng hay. Tình yêu đôi khi làm người ta khổ, vì đã yêu ai thì chỉ yêu được một người, không khác được. Không một ai có thể thuyết giảng về tình yêu hay như những người đã từng yêu. Nhưng ba tôi cứ cố cấm đoán và mãi im lặng. Tôi biết thế nào là một tình yêu đúng nghĩa? Biết làm sao để bảo vệ được tình yêu của mình? Mẹ! Bỗng dưng tôi nhớ đến mẹ. Chợt nhận ra rằng bấy lâu nay, khi nào tôi buồn cũng đều nhớ đến mẹ, dù bà đã xa xôi lắm.

cd

Khác với những gì tôi tưởng tượng, mẹ tôi sống một mình trong căn nhà nhỏ giản dị giữa lòng thành phố. Mẹ không giấu nỗi sửng sốt và niềm vui cuống quýt khi gặp lại tôi. Ở phố, phải khó khăn lắm mẹ mới kiếm ra mớ bông điên điển đãi tôi một bữa cơm với mắm kho, món mà ngày xưa tôi mê tít. Đêm đó tôi ngủ lại nhà mẹ. Mẹ là người khéo gợi chuyện nên chẳng mấy chốc những nỗi buồn, những ấm ức, những khúc mắc trong lòng tôi đều tuôn ra hết. Mẹ lắng nghe chăm chú. Mẹ bảo mẹ biết Mẫn. Đó là một cô bé hiền lành, ngoan ngoãn. Tính nết đó ít thay đổi trong suốt một đời người. Mẹ có vẻ chú tâm chuyện của tôi, nhưng chuyện của mẹ và ba, khi tôi hỏi tới, mẹ lặng im không đáp.

Hôm tiễn tôi ra bến xe, mẹ run run giúi vào tay tôi lá thư, mẹ bảo:

- Mẹ rất mong sau này con sẽ là người đàn ông tốt, không như cha con. Chắc đó cũng là mong muốn của Mẫn, con hiểu không?

Trên chuyến xe về quê, tôi đọc ngấu nghiến thư mẹ. Mẹ bảo, ba tôi là người đàn ông cay nghiệt, cay nghiệt trong đời sống thường nhật và cay nghiệt cả chuyện gối chăn vợ chồng. Lúc nào ông cũng nghi ngờ mẹ, làm tình làm tội mẹ. Chịu không nổi, mẹ đành ra đi, để lại nhiều điều tiếng. Bây giờ, mẹ trở thành nghệ sĩ tương đối nổi tiếng nhưng vẫn sống một mình, không cặp kè một người đàn ông nào như ba tôi đã tự mị.

Tôi thuộc lòng những câu chữ trong thư mẹ. Hóa ra có những căn bệnh nếu không kịp phát giác và chữa trị sẽ di căn đến cuối đời. Tôi chính là bản sao của ba, cũng nóng nảy cộc cằn đến độ điên người, cũng yêu một cách cuồng si với ước mơ chiếm hữu một cách ích kỷ và tàn nhẫn. Tôi cũng suýt giống ông, bóp chết hạnh phúc của chính mình trong lòng bàn tay cay nghiệt.

Tôi phải khác đi. Tôi không thể là một bản sao xấu xí. Tôi học cách gần gũi những người phụ nữ láng giềng, giúp họ những việc lặt vặt chỉ để được trò chuyện dăm ba câu. Không phải để hiểu họ, mà là cố làm sao để hiểu Mẫn. Tôi chưa thể gặp Mẫn khi tôi vẫn còn là cái bóng của ba, và nhất là chưa bước qua khỏi bóng mình.

Một ngày mưa, khi tôi đang ngấu nghiến cái cảm giác cô độc đến cùng cực trong căn nhà quạnh vắng thì Mẫn đến. Tôi không tin vào mắt mình. Nụ cười Mẫn ướt đẫm:

- Mẹ anh đã nói em biết hết rồi!

Những hạt mưa tí tách thổi phồng các bong bóng nước trên mặt đất ướt nhòe. Nỗi cô độc giờ như cái bong bóng nước mỏng manh nhanh chóng vỡ tan. Mẫn nép chặt vào ngực tôi, trong lúc đó, tôi đang bận lựa chọn những ngôn từ để nói với ba về quyết định quan trọng nhất đời mình.

Hết.

TRẦN HUYỀN TRANG.

Back To post
Bình luận:

Viết bình luận:


Đến Trang:
- Share on: google facebook twitter zing
C-STATU-ON
© 2009 - 2024 AyEmm.Net

Polly po-cket